Lễ Tết cổ truyền Việt Nam là biểu tượng của tinh hoa văn hóa dân tộc, thể hiện rõ nhất đời sống tâm linh của người Việt. Mỗi dịp tết đến xuân về, tất cả mọi người từ già, trẻ, gái, trai đều háo hức đón chờ, rộn ràng công tác chuẩn bị để chào đón một năm mới an khang, thịnh vựơng. Người đi chợ sắm Tết, mua quần áo mới, người gói bánh chưng, quét dọn nhà cửa...tất cả những hoạt động thường ngày ấy lại tạo nên nét đặc trưng riêng biệt của ngày Tết cổ truyền.
Không khí tươi vui, rộn ràng của ngày Tết lặp lại từ năm này sang năm khác, từ thế hệ này qua thế hệ khác...khắc họa trong tâm trí của người Việt những khát vọng về một cuộc sống lo ấm, đầy đủ, được sum họp, quây quần bên gia đình. Vì thế mà dù có sống ở nơi đất khách quê người, những người Việt luôn cố gắng trở về quê hương của mình để đón Tết với gia đình, người thân.
(Mồng 1 tết âm lịch)
Tết Nguyên Đán có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với những người nông dân "chân lấm tay bùn", quanh năm "bán mặt cho đất bán lưng cho trời". Đây là khoảng thời gian thiêng liêng để họ có thể gửi lời cảm tạ thần linh, trời đất, tổ tiên đã phù hộ cho con cháu trong suốt năm vừa qua và cầu mong mùa màng được bội thu, con người được khỏe mạnh, bình yên. Người Việt quan niệm rằng "đầu xuôi đuôi lọt", nếu đầu năm mọi chuyện được diễn ra thuận lợi, suôn sẻ thì cả năm sẽ gặp nhiều may mắn, hạnh phúc. Vì thế mà nhà nhà đều tất bật chuẩn bị những thứ cần thiết để trong ngày Tết có một năm mới đầy đủ, ấm áp.
Mỗi vùng miền đều có một biểu tượng riêng của ngày Tết. Cụ thể ở miền Bắc, mọi người thường chọn hoa đào để trang trí nhà cửa còn ở miền Nam thì hoa mai được coi là loài hoa tượng trưng cho ngày này. Mỗi loài hoa đều có một vẻ đẹp, hương sắc riêng nhưng chúng đều mang ý nghĩa rất thiêng liêng, góp phần làm nên không khí tưng bừng, rộn ràng trong ngày Tết cổ truyền.
Một điều nữa mà người Việt đặc biệt rất quan tâm trong ngày tết đó là việc bày trí ban thờ. Người ta thường sắm những mâm ngũ quả đầy đủ màu sắc, mỗi loại quả lại mang một ý nghĩa riêng nhưng đều thể hiện mong ước chung về một cuộc sống no đủ, sung túc. Có thể nói, đây cũng là một trong những nét đẹp của ngày Tết, ngoài việc trang trí thì mâm ngũ quả còn thể hiện sự giao thoa giữa con người với thiên nhiên và thần linh.
Khoảnh khắc giao thoa giữa năm mới và năm cũ được gọi là giao thừa. Trong khoảng thời gian này, người Việt thường đi chùa cầu phúc, đi hái lộc hoặc khấn gia tiên để cầu mong năm mới gia đình sẽ gặp nhiều may mắn, tài lộc, an khang thịnh vượng. Đúng lúc tiếng pháo rộn ràng chào đón năm mới trong hương khói nghi ngút, nhiều gia đình mời những vị khách hợp tuổi đến "xông đất" với mong muốn mọi công việc trong năm sẽ thuận buồm xuôi gió.
"Tháng Giêng là tháng ăn chơi", vì thế mọi công việc đều được gác lại, mọi người cùng nhau quây quần bên mâm cơm gia đình, đi chúc tết họ hàng, bạn bè để có cơ hội ôn lại chuyện cũ và cùng chúc nhau những lời chúc ý nghĩa nhất. Người ta mừng tuổi, mừng thọ, khai bút, khai xuân...và tham gia những trò chơi trong lễ hội như đánh cờ người, kéo co, đấu vật, chọi gà, chọi chim...có thể nói rằng, đó là một trong những hoạt động văn hóa đã đi sâu vào trong tiềm thức của người Việt, tạo nên một dấu ấn đặc sắc trong ngày tết cổ truyền dân tộc.
Càng ngày, cuộc sống càng hiện đại hơn nên nếp sống của con người ít nhiều cũng đã bị thay đổi nhưng những nét văn hóa truyền thống ấy vẫn không hề bị mai một. Đó là cảm giác háo hức mong chờ Tết đến, là cảm giác khao khát được trở về đoàn tụ cùng gia đình của những người con xa quê, là cảm giác được quây quần bên nồi bánh chưng bánh tét...Dù cho con người có lớn lên, có đi xa quê hương thì vẫn không bao giờ quên được những kí ức đẹp về những cái Tết của tuổi thơ.
Phải chăng, đó là một truyền thống tốt đẹp đã gắn bó với người Việt Nam và sẽ tồn tại trong con người họ dù họ làm gì, ở bất kì đâu.. Có thể nói rằng, tết cổ truyền là một nét đẹp trong văn hóa và cũng là niềm tự hào của tất cả các thế hệ người Việt.